Một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn.


>> Xem thêm: Các giải pháp ô nhiễm môi trường trong dài hạn

Thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí nhất Châu Á

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố báo cáo hiện tượng môi trường quốc gia về không khí. Điều đáng lưu ý nhất trong báo cáo là không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng đang có xu hướng bị ô nhiễm, tăng đáng kể nồng độ khí ôzôn, loại khí gây ra nhiều bệnh về hô hấp. Tại các đô thị này, nếu đo nồng độ khói bụi tại các nút giao thông và công trình xây dựng thì kết quả đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 – 6 lần. Trong đó, điều đáng lo ngại nhất là Hà Nội đang đứng trong danh sách những thủ đô bị ô nhiễm không khí nhiều nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á.


Cụ thể, theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam, nồng độ bụi tại nhiều nút giao thông như Kim Liên - Giải Phóng, Phùng Hưng - Hà Đông (Hà Nội), những khu vực đông dân cư thường cao hơn mức cho phép, có lúc cao gấp 7 lần. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến 72% hộ gia đình bị mắc các bệnh do ô nhiễm không khí (liên quan đến hô hấp), trong đó quận Hoàng Mai chiếm tỷ lệ cao nhất, 91,4% và thấp nhất là quận Tây Hồ với 55%.

Tình hình ô nhiễm không khí tại Việt Nam

Nhiều chuyên gia môi trường trên thế giới đã nhận định “Chất lượng không khí Việt Nam rất thấp”. Bản đồ tương tác ô nhiễm không khí tại Châu Á do Đại học Yale (Mỹ) thực hiện dựa trên số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) công bố năm 2016 cho thấy Việt Nam là những “điểm đen” về ô nhiễm. Trong đó hiển thị màu đỏ và đỏ sẫm chủ đạo tại khu vực miền Bắc cho thấy nơi này là khu vực bị ô nhiễm không khí nặng nhất cả nước, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Với những số liệu thu thập được, Đại học Yale xếp hạng chất lượng không khí của Việt Nam là 54,76/100 điểm, đứng thứ 170/180 nước nghiên cứu. Chỉ số PM 2.5 (Particulate Matter - nghĩa là chất dạng hạt) của Việt Nam hiện tại là 43,95, xếp thứ 170/180 nước. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, những khu vực có chỉ số PM 2.5 tiêu cực, người dân rất hay mắc các bệnh về phổi và đường hô hấp, đặc biệt là với người già cũng như trẻ nhỏ.


Ô nhiễm không khí tại Việt Nam phổ biến nhất là ô nhiễm khói bụi, sau đó là ô nhiễm CO2 và một số loại khí khác như SO2, NOx... Hai tác nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí là khí thải từ các phương tiện cơ giới và hoạt động sản xuất công nghiệp. Theo một số nghiên cứu, hiện tại khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới chiếm 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Lượng khí thải lớn như vậy đến từ 43 triệu xe máy và 2 triệu ô-tô đang lưu hành trên đường phố Việt Nam mỗi ngày, theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam.

>> Xem thêm: Nguyên nhân, tác hại của nguồn nước bị ô nhiễm

Nguyên nhân ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí do yếu tố tự nhiên

Do các hiện tượng tự nhiên gây ra: núi lửa, cháy rừng, bão bụi, hay quá trình phân huỷ, thối rữa xác động – thực vật tự nhiên… Đây là nguyên nhân khách quan nên rất khó dự báo và ngăn chặn.

Ô nhiễm không khí do yếu tố con người

+ Ngành công nghiệp: Đây là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất do con người gây ra. Quá trình gây ô nhiễm là quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt tạo ra các chất khí độc hại (CO2, CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết: muội than, bụi). Nguồn công nghiệp có nồng độ độc hại cao, tập trung ở một không gian nhỏ, và tùy thuộc vào quy mô sản xuất và nhiên liệu sử dụng thì lượng chất độc hại và loại chất độc hại sẽ khác nhau.


+ Giao thông vận tải: Đây cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn đối với không khí, đặc biệt là ở khu đô thị và khu đông dân cư. Quá trình đốt nhiên liệu động cơ tạo ra các chất khí độc hại làm ảnh hưởng đến không khí như CO2, CO, SO2, NOx, Pb, CH4…

+ Sinh hoạt: Chủ yếu do hoạt động đun nấu sử dụng nhiên liệu tạo ra các khí độc hại gây ô nhiễm cục bộ trong hộ gia đình và các hộ xung quanh.