Thời điểm giữa tháng 3/2015, một khách hàng tên Nghị gửi số tiền 400.000 euro tại Agribank nhưng sau đó không rút được. Ông cho biết tháng 12/2014, do các sổ tiết kiệm cũ hết hạn nên tới ngân hàng rút hết các sổ cũ, dồn các sổ đó lại cộng thêm một số tiền mới chuyển về cho đủ 400.000 euro theo kế hoạch đầu tư.

Khi thực hiện các thao tác rút hết các sổ cũ, lãnh đạo chi nhánh và nhân viên ngân hàng đưa ông ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có một số tờ giấy trắng. Những tờ giấy trắng này trước đây nhiều lần lãnh đạo chi nhánh ngân hàng đề nghị ký, ông không thấy có vướng mắc gì phát sinh về sau nên lần này ông cũng ký. Hoàn tất mọi thủ tục, ông Nghị được đưa cho cuốn sổ tiết kiệm với đầy đủ thông tin của cá nhân cũng như số tiền 400.000 euro.

Sau khi gửi tiền, ông còn đề nghị vị giám đốc ngân hàng chứng minh cho thấy số tiền 400.000 euro mang tên ông có trong hệ thống. Sau đó, ông được mở phần mềm cho xem nên khá yên tâm.

Tuy nhiên, tháng 2/2015 ông Nghị đến rút tiền thì không được. Phía Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (TP HCM) có một văn bản gửi cho ông, nội dung thông báo: “Số sổ AM…713 đứng tên ông, số tài khoản …906, số tiền 400.000 euro đang được cầm cố thế chấp tại Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi để vay số tiền 10,4 tỷ đồng. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra…”.

Theo Agribank, vụ việc có liên quan tới ông Nguyễn Lê Kiều Quang, nguyên Giám đốc phòng giao dịch Agribank Hòa Hưng, thuộc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi tham ô tài sản, đang bị truy nã nên phải chờ cơ quan điều tra kết luận. Khi nào có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, ngân hàng sẽ thông báo hướng giải quyết cho ông Nghị.

Trong khi đó, ông Nghị cho rằng số sổ của ông là …680, hoàn toàn không liên quan gì tới cuốn sổ mà phía ngân hàng thông báo là được thế chấp để vay khoản tiền hơn 10 tỷ đồng trên.

Liên quan đến vụ việc, các luật sư cho rằng ông Nghị có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi nếu trên hệ thống ngân hàng, cuốn sổ ông Nghị giữ có tiền và là sổ thực, phía ngân hàng buộc phải trả tiền cho ông. Còn chuyện cán bộ của ngân hàng có hành vi tham ô tài sản, chiếm đoạt tiền của ngân hàng thì đó là trách nhiệm của ngân hàng, là việc nội bộ, không liên quan đến trách nhiệm của khách hàng.

Không rút được tiền tiết kiệm vì khác chi nhánh và chưa đăng ký chữ ký

Tháng 11/2015, một cụ ông 78 tuổi cho biết có một sổ tiết kiệm được phát hành tại một chi nhánh ngân hàng quốc doanh nằm trên địa bàn quận 5, với số dư 300 triệu đồng, đáo hạn ngày 16/10/2015. Đến hạn, ông mang sổ tiết kiệm trên đến một phòng giao dịch ở đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh để rút cả lãi và vốn thì được nhân viên thông báo rút số tiền 300 triệu đồng phải chịu phí là 80.000 đồng.

Dù không mấy hài lòng vì lĩnh tiền tiết kiệm mà cũng phải chịu phí, nhưng ông vẫn quyết định đồng ý trả phí để rút tiền. Tuy nhiên, sau khi nhận đầy đủ giấy tờ, nhân viên ngân hàng lại thông báo ông cụ không thể rút tiền được vì chi nhánh nơi ông gửi “không đăng ký chữ ký”. Cuối cùng, ông phải quay lại nơi phát hành thẻ tiết kiệm để rút tiền.

Đại diện ngân hàng sau đó đã phủ nhận việc từ chối cho rút tiền khác chi nhánh và lý giải rằng nơi vị khách gửi tiền chưa đăng ký chữ ký của ông trên hệ thống nên phòng giao dịch phải liên lạc nhờ scan chữ ký của khách hàng gửi qua để nơi này đối chiếu. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi thì cụ ông nói sẽ về rút tiền tại chi nhánh nơi gửi.

Còn về việc thu phí rút tiền tiết kiệm, đại diện ngân hàng cho rằng do hệ thống quá rộng, khi khách hàng rút tiền như vậy ngân hàng phải mất công chuyển tiền từ nơi này sang nơi khác nên phải thu phí để hoạt động.
Xem Thêm: vay vốn ngân hàng thế chấp sổ đỏ, sổ hồng
Xem Thêm: thủ tục giải ngân của ngân hàng
Xem Thêm: Vay xay nha vietcombank