Theo ông Đỗ Mạnh Dũng – Phó Tổng giám đốc Công ty Scheneider Electric Việt Nam, việc sử dụng năng lượng của Việt Nam đang gây lãng phí khoảng 50%, và việc áp dụng IoT trong quản lý năng lượng theo hệ thống sẽ giúp giảm được 30% sự lãng phí này.


Thông tin trên được đưa ra trong diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017 được tổ chức sáng 9/8. Mục đích của diễn đàn là thúc đẩy hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, trao đổi các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam tầm nhìn 2050.

Ông Đỗ Mạnh Dũng cũng cho biết, trong 40 năm tới, Việt Nam buộc phải giảm khoảng 50% lượng phát thải CO2 so với hiện nay nếu không muốn nhiệt độ trung bình tăng thêm 2 độ C. Là nước đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu nên chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả, đóng góp vào việc giảm lượng CO2.

Một khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, các ngành công nghiệp như ximăng, than, gốm… đang sử dụng không hiệu quả nhiều nguồn năng lượng. Trong đó, ngành ximăng đang sử dụng lãng phí tới 50% nguồn năng lượng so với các nước phát triển.

“Vào năm 2040, nhu cầu năng lượng nhiệt than sẽ tăng khoảng 2 lần so với các dạng năng lượng khác; công nghiệp số hóa phát triển nhanh với sự ra đời của các thiết bị thông minh. Trong khi đó, 82% số tòa nhà, nhà máy công nghiệp đang chưa sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây là cơ sở cho chúng ta áp dụng công nghệ để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn” – ông Dũng nói và cho biết, cuộc cách mạng 4.0 với nền tảng là các thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tiết giảm khoảng 30% năng lượng đang bị sử dụng không hiệu quả. Với sự kết nối của IT (công nghệ phần mềm) và OT (công nghệ phần cứng), người sử dụng năng lượng và chính phủ có cơ hội tiết giảm năng lượng không hợp lý.

Tham khảo năng lượng tái tạo nangluong.news

Ông Đỗ Mạnh Dũng nói: “IT làm cho mọi thiết bị trở nên thông minh hơn với phần mềm và trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, trong một thành phố, từ nguồn cung cấp điện cho đến cơ sở dữ liệu (hộ sử dụng, nhà máy, khu công nghiệp, tòa nhà) đều cần được phần mềm thông minh và trí tuệ nhân tạo kiểm soát, kết nối, điều khiển.

Từ máy móc tại các hộ gia đình cho tới tòa nhà, nhà máy đều được quản lý để tối ưu việc sử dụng năng lượng. Nhờ vậy, người quản lý biết từng khu vực, ngôi nhà… đã sử dụng bao nhiêu năng lượng, lấy từ những nguồn nào”.

Việc kết nối thông tingiữa người sử dụng điện và người cung cấp điện nhờ các kết quả của của cách mạng 4.0 sẽ giúp toàn hệ thống quản lý, cung cấp, sử dụng trở nên thông minh hơn. Máy chủ biết chính xác chỗ nào đang cần và cung cấp chính xác lượng điện năng.
Nguồn khoahocphattrien .net