Không phải sỏi thận nào cũng phải điều trị, chỉ có những hòn sỏi có khả năng gây ra những biến chứng cho cơ thể thì mới cần phải loại nó mà thôi.

Bế tắc đường tiểu

Những hòn sỏi nằm trong lòng đường tiểu như đài thận, bể thận, bọng đái đều có khả năng rơi vào niệu quản hoặc niệu đạo gây ra bế tắc. Khi có hiện tượng này, hệ niệu sẽ phản ứng để cố gắng tống hòn sỏi ra khỏi chỗ tắc nghẽn bằng cách tăng cường co bóp, điều này dẫn đến hậu quả trực tiếp:

+ Gây ra các cơn đau bão thận.

+ Gây ra sự trương nở hệ niệu (thận ứ nước hoặc niệu quản ứ nước): Hiện tượng này sẽ mất đi sau khi hòn sỏi được lấy ra một cách kịp thời. Nhưng nếu sau một thời gian ứ nước kéo dài, đôi khi thận không còn khả năng hồi phục nữa. Muốn tránh điều tai hại này chỉ có cách là phải điều trị dứt điểm, kịp thời.

+ Gây bí tiểu.

Nhiễm trùng

Soi than nằm lâu ngày trong hệ niệu là nơi vi trùng tụ tập và phát triển. Nhiễm trùng nhẹ thì chỉ có các triệu chứng như tiểu gắt, đau lưng. Nhiễm trùng nặng hơn có thể gây ra tiểu ra mủ, sốt cao. Nếu phối hợp với bế tắc đường tiểu thì có thể gây ra thận ứ mủ hoặc thận hóa mủ.

Suy thận cấp tính

Xảy ra khi cả hai quả thận đều bị bế tắc cùng một lúc. Khi đó bệnh nhân sẽ không có một giọt nước tiểu nào cả và có thể dẫn đến tử vong nếu không kịp điều trị trong vòng vài ngày.

Suy thận mạn tính

Khi thận bị sỏi, quá trình nhiễm trùng, ứ nước lâu ngày sẽ hủy hoại thận dần dần. Lúc đó, người bệnh sẽ phải cần đến các biện pháp rất tốn kém để duy trì sinh mạng như: chạy thận nhân tạo hay ghép thận. Ghép thận thì nước ta chưa có điều kiện để phát triển nhân rộng. Thận nhân tạo thì nhiều bệnh viện có nhưng chi phí để chạy thận nhân tạo định kỳ suốt đời thì chỉ có một số ít gia đình có đủ khả năng tài chính mới có thể chịu được.

Vỡ thận

Bình thường thận nằm trong vùng hốc lưng, được che chở rất kỹ bởi xương sườn, thành bụng nên phải chấn thương rất nặng mới có thể vỡ. Nhưng khi bị ứ nước to, vách lại mỏng đi nên đôi khi, chỉ một chấn thương nhẹ cũng có thể làm cho thận bị vỡ.