Cách sử dụng Máy đo đường huyết


Tiểu đường ở trẻ - mối bận tâm không chỉ của gia đình


Song hành với tốc độ tăng trưởng kinh tế, những điều kiện về vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày một được cải thiện. Các gia đình bắt đầu quan tâm đến chế độ “ bồi dưỡng” cho con trẻ, chăm sóc chúng trong các điều kiện tốt nhất có thể.


Tuy nhiên, các phương pháp và chế độ dinh dưỡng cho trẻ không phải bậc làm cha mẹ nào cũng thấu hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt. Việc phát triển tốt cả về trí và lực của trẻ không đồng nghĩa với việc “ nhồi nhét” cho thật nhiều thức ăn…điều này không những làm tăng nguy cơ béo phì mà còn kéo theo nhiều nguy cơ với các bệnh khác, đặc biệt trẻ sẽ có nguy cơ bị tiểu đường từ sớm.


Vấn đề thời sự của cả Thế giới hiện nay là tình trạng trẻ bị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) đang có xu thế gia tăng. Theo thông kê có đến 10% - 15% trẻ em mắc bệnh trên tổng số bệnh nhân tiểu đường. Các bậc cha mẹ vẫn chủ quan, cho rằng tiểu đường chỉ gặp ở người lớn và bất ngờ khi được thông báo rằng con họ bị tiểu đường. Lưu ý rằng tiểu đường có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em độ tuổi thường gặp nhất là tuổi bắt đầu đi học (từ 5 – 7 tuổi) và tuổi dậy thì ( từ 11 – 13 tuổi). Tuy nhiên cũng có một số trường hợp phát hiện tiểu đường ngay từ giai đoạn sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.

Chúng ta đều biết đái tháo đường là một bệnh do rối loạn chuyển hóa carbohydrate khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước. Đái tháo đường là nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim và mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư…trong đó đái tháo đường type I do tuyến tụy không sản xuất được insulin, đa phần trẻ em mắc tiểu đường type 1 không được phát hiện sớm mà chỉ đến khi các biểu hiện của bệnh quá rõ ràng. Với tiểu đường type I, yếu tố di truyền từ cha mẹ chiếm tỷ lệ khoảng 10 – 20%. Tiểu đường type 2 thường xảy ra ở các bé có tình trạng thừa cân, béo phì hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý, với tỷ lệ thừa cân – béo phì ở trẻ cao trong trẻ như hiện nay (10%-12 %), nguy cơ tiểu đường type 2 ở trẻ lại càng cao. Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh nếu không được điều trị, hoặc trẻ bị stress làm gia tăng các tuyết nội tiết liên quan đến đường huyết hoặc nhiễm khuẩn; vi trùng, siêu vi, ký sinh trùng – trong môi trường hoặc trong thực phẩm… Khi trẻ mắc bệnh này, thường các dấu hiệu trong giai đoạn đầu rất khó nhận biết, trẻ chỉ khát nước nhiều, hay đói, tiểu nhiều và sụt cân nhanh. Các dấu hiệu như: co giật, hôn mê, nhiễm trùng, lơ mơ, thở nhanh, đau bụng, mất tri giác thường xuất hiện khi bệnh đã trở nặng. Việc phát hiện tiểu đường ở trẻ thường rất tình cờ khi làm xét nghiệm hoặc trẻ đang được chữa trị cho một bệnh khác. Với trẻ, nếu bị tiểu đường lại càng nguy hiểm bởi trẻ chưa ý thức được hành vi trong việc tự bảo vệ, các dấu hiệu bệnh không rõ ràng và đặc biệt trẻ rất khó tự kiểm soát được các cơn “ thèm ăn “ của mình.

Nếu bạn biết rằng cứ 30 giây có một người bị cắt chi vì tiểu đường và mỗi 10 giây có một người chết vì tiểu đường…Tổng số bệnh nhân tiểu đường tại Việt Nam đã lên đến 3 triệu người, 65% trong số đó không biết mình đang có các triệu chứng về tiểu đường cho đến khi bộc phát chắc chắn bạn sẽ giật mình xem lại chế độ ăn uống cho con trẻ.

Để phòng ngừa, việc đầu tiên và cần thiết là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát và lưu ý các xét nghiệm về đường huyết (lượng đường có trong máu) hay trong nước tiểu (thử nước tiểu). Cần tập thói quen vận động và làm quen lao động cho trẻ, nên hướng trẻ vào một môn thể thao yêu thích và tập luyện cùng bạn. thường xuyên tham vấn ý kiến bác sỹ về việc uống thuốc, chế độ ăn để có được sự điều trị hợp lý. Với những trẻ đã phát hiện bệnh, hãy tạo cho trẻ môi trường bình thường như những trẻ khác, giáo dục cho trẻ ý thức vệ sinh, tự bảo vệ mình với các tác nhân gây hại từ bên ngoài ( dễ trầy xước, giữ vệ sinh trong ăn uống…). Ngày tiểu đường Thế giới năm nay, với phương châm “ không để trẻ em nào chết vì tiểu đường” đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ về mối quan tâm hơn nữa đến chế độ dinh dưỡng cho con trẻ.