Với ý tưởng nghỉ dưỡng mới này, những khu nhà nghỉ ống cống Đà Lạt thu hút nhiều du khách khiến họ tò mò. Cùng tìm hiểu xem nào.



Điều lạ là dù mới khai trương được 10 ngày nhưng khách sạn luôn kín phòng. Câu chuyện giữa chúng tôi với Khải cứ liên tục bị gián đoạn bởi anh không ngừng nhận điện thoại của khách hàng đặt phòng và từ chối “mỏi miệng” vì 10 phòng đã được đặt kín chỗ từ nay cho đến ngày 20.11.

Có lẽ chẳng nhiều người biết đến nhà nghỉ ống cống Đà Lạt “độc nhất vô nhị” ở phố hoa Đà Lạt này lại được làm nên bởi một anh chàng tay ngang giỏi ngoại ngữ và đam mê nghề chụp ảnh. Khải cho biết anh là người Đà Lạt “chính tông”, sau khi học xong đại học, ngành Anh văn ở Trường Đại học Đà Lạt, năm 2007 Khải xuống TP.HCM làm việc cho một công ty chuyên về công nghệ thông tin. Đến năm 2012, Khải ra riêng và chọn cho mình nghề chụp ảnh và anh mở một studio kiếm sống. Năm sau, Khải lập gia đình và tiếp tục kiếm sống bằng nghề chụp ảnh. “Một hôm vào khoảng tháng 3.2015, trong một lần tình cờ lên mạng internet, mình thấy mô hình nhà ống tròn ở nước ngoài và đặt biệt chú ý. Tìm hiểu sâu hơn, mình biết đấy là những khách sạn 4 – 5 sao rất đắt tiền nếu như vào đấy ở. Từ “phát hiện” này, mình xuất hiện ý tưởng làm hostel hình ống giá rẻ ở quê hương Đà Lạt”, Khải kể lại.

Có ý tưởng, Khải tìm hỏi những kiến trúc sư, những người làm trong lĩnh vực xây dựng xem thử mô hình nhà ống này nếu làm ở Việt Nam có được không, chi phí thế nào? Khải được nhiều người trả lời là làm được, chi phí lại không cao, không tốn nhiều tiền như làm khách sạn. Thấy phù hợp, Khải về bàn tính với vợ và nhờ “tâm đầu ý hợp”, Khải liền lên đường về Đà Lạt tìm mặt bằng. Mất hết 3 tháng trời, Khải mới tìm được một nơi ưng ý, rồi tháng 7.2015 tiến hành khởi công xây dựng đến ngày 21.10 vừa qua chính thức khai trương.

Nguyễn Quang Khải thổ lộ: “Việc thiết kế các phòng dạng này rất khó, ban đầu mình xuống các nhà máy ở H.Đức Trọng, nơi có làm ống cống để đặt hàng nhưng không được vì không có nhà máy nào sản xuất ống loại lớn theo yêu cầu của mình. Sau đó, mình tính về Bình Dương mua nhưng chi phí vận chuyển lớn và nguy hiểm nữa nên suy nghĩ kỹ, mình quyết định làm tại chỗ. Mang ý tưởng thiết kế đến hỏi các nhà thầu xây dựng nhưng không ai dám nhận vì họ chưa làm nhà kiểu này bao giờ. Sau đó may mắn là có một người bạn thân làm ở lĩnh vực xây dựng nhận lời giúp đỡ nhưng cũng nói trước là “hên xui” vì mô hình này rất mới mẻ”, Khải cho hay.

Thế là mấy anh em tự làm khuôn, mua xi măng, sắt, thép về rồi tiến hành tự đúc. Khải kể: “Ban đầu hư hỏng vài lần, nhưng dần dần rồi cũng đúc được. Cứ 3 ngày đúc xong 1 ống, sau đó ghép 2 ống lại với nhau để được một ống lớn. Quá trình làm đúng vào mùa mưa nên mình cũng thử luôn được độ thấm và biết xử lý. Hostel của mình ra đời như vậy”.

Trên khuôn viên đất 400m2 thuê được, Khải xây dựng 10 phòng hostel giống nhau nhưng màu sơn phía ngoài và độ dày mỏng, độ láng khác nhau. Mỗi phòng là một “ống” có đường kính 2m, dài 2,5m; phía trong ốp gỗ và được bố trí 1 giường ngủ 1,7x2m, đồng thời có đầy đủ trang thiết bị cơ bản để sinh hoạt. Vì diện tích nhỏ nên phòng này không có nhà vệ sinh riêng mà tập trung tại một khu sát ngay bên cạnh với 6 nhà tắm, 6 WC được quét dọn sạch sẽ. Giá phòng cũng rất mềm, phù hợp với dân thích đi phượt và du lịch “bụi”. Cũng phòng ấy nhưng ở 1 người thì có giá 200.000 đồng/đêm, ở 2 người là 250.000 đồng/đêm và tối đa chỉ 3 người với giá 300.000 đồng/đêm.

Từ những “phòng ống” này, du khách có thể phóng tầm mắt về phía trước mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố ngàn thông với những khu biệt thự nhấp nhô, những khu phố lớn nhỏ nằm ẩn mình trong rừng thông xanh mướt. Đặc biệt hơn vào lúc sáng sớm, du khách chỉ cần kéo rèm cửa là có thể chiêm ngưỡng những làn sương ở dưới thung lũng hay lưng chừng ngọn thông trông thật huyền ảo, thú vị.

Thêm điều thú vị nữa, ở giữa sân của 10 phòng hostel này được chủ nhân bố trí một khu đốt lửa trại về đêm. “Mô hình này rất phù hợp với dân phượt, có không gian mở để mọi người cùng sinh hoạt gắn kết nhau. Dù không quen biết, nhưng qua việc ngồi đốt lửa trại cùng nhau, uống một ly rượu, tách trà cùng nhau là mọi người có thể trò chuyện với nhau về những trải nghiệm của một chuyến đi hay những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Mô hình này rất hay, sắp đến mình dự kiến sẽ mở rộng, phát triển thêm mô hình này ở Đà Lạt”, Nguyễn Quang Khải chia sẻ.

Xem thêm: Khách sạn hàng đầu Việt Nam