Nhắc đến ẩm thực Hà Nội, chúng ta vẫn thường nghĩ đến sự cầu kì và tinh tế từ cách chọn nguyên liệu cho đến cách chế biến và thưởng thức. Trong mỗi món ăn, thực khách không chỉ thấy sự tỉ mỉ, khéo léo mà còn cảm nhận được cả một chiều sâu văn hóa mang đậm dấu ấn của mảnh đất kinh kì được con người nơi đây tha thiết gửi gắm. Tâm huyết với những giá trị cổ truyền ấy, nghệ nhân dân gian Phạm Ánh Tuyết đã lưu giữ và quảng bá những nét tinh hoa văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Nội. Bà trở thành điểm tựa cho niềm tin vào những giá trị vĩnh hằng không bao giờ mất.
Tôi tìm đến nhà hàng Ánh Tuyết (số 25 Mã Mây) - nhà hàng mang tên người nghệ nhân dân gian ngày ngày giữ lửa cho bếp ẩm thực Hà Nội truyền thống. Dường như không khí đầm ấm, quây quần của một bữa cơm gia đình người Việt xưa đã mang đến cho nhà hàng sự khác biệt lớn trong vô số nhà hàng ẩm thực nơi đây.
Nghệ nhân Ánh Tuyết sinh ra trong một gia đình Hà Nội truyền thống. Chín tuổi bà đã vào làm bếp cùng người bà từng làm phục vụ cho bếp ăn Tây. Sau này, mặc dù trở thành sinh viên của trường đại học Thương mại, ra trường hoạt động trong lĩnh vực thương nghiệp, bà vẫn dành tình yêu cho công việc bếp núc.
Với nghệ nhân Ánh Tuyết, dù là những món cao lương mĩ vị chốn cung đình xưa hay những món ăn bình dị, đạm bạc của người dân áo vải, tất cả đều mang giá trị văn hóa riêng cần được lưu giữ. Chính vì vậy, khi làm cỗ bày mâm son thếp vàng, nấu một bát canh cua hay nén một liễng cà, bà đều gửi gắm trong đó cả tình yêu và sự tâm huyết đối với những giá trị cổ truyền của dân tộc.
Có lẽ cũng bởi vậy, mỗi món ăn chế biến dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân già đều mang một phong vị riêng, thấm đượm tinh thần văn hóa Việt như món Gà quay mật ong (được các chuyên gia ẩm thực Mỹ đánh giá là một trong các món ăn ngon nhất thế giới, đặc biệt được thực khách Australia và Mỹ ưa chuộng); món Cá quả cuốn thịt (đã giành huy chương Vàng tại Liên hoan ẩm thực quốc tế); món Cổ hũ quay nước cốt dừa, bánh xốp vòng dừa (mang nét đặc trưng riêng của vùng sông nước); Nhóm các món sen Việt được chế biến từ sen là các món làm nên nét dân tộc cho nhà hàng như vịt hầm sen, chim ngói hầm sen, các món chè sen; Chả nem, bánh chưng, bóng, nấm thả (các món dân tộc thường được thực khách Nhật lựa chọn).
Không chỉ tự đứng bếp, bà còn tận tình chia sẻ bí quyết nấu những món ăn truyền thống cũng như cách ứng xử trong bữa cơm của Việt Nam cho thực khách, đặc biệt là du khách nước ngoài yêu ẩm thực Hà Nội. Tạo không gian văn hóa đặc trưng để thực khách trực tiếp trải nghiệm là cách để bà Ánh Tuyết lưu giữ và quảng bá văn hóa ẩm thực của thủ đô Hà Nội.