Ưu điểm:

- Rìa màn hình mỏng, thiết kế nhỏ gọn.
- Lớp vỏ chống ẩm và mặt sau làm bằng sợi Kevlar.
- Thời lượng pin cực “bền”.
Nhược điểm:
- Thiết kế chưa ấn tượng.
- Giao diện thiếu “thân thiện” và tiện dụng.
- Camera chất lượng trung bình.
Motorola RAZR i là một trong những smartphone Android đầu tiên được trang bị vi xử lý của Intel. Tuy chỉ là vi xử lý lõi đơn nhưng xung nhịp tới 2 GHz cũng giúp RAZR i đạt được hiệu năng không kém cạnh các smartphone sử dụng bộ xử lý Snapdragon S4. Ngoài ra, RAZR i còn gây ấn tượng với rìa màn hình siêu nhỏ và lớp vỏ được làm bằng sợi Kevlar.

Các thông số kỹ thuật chính của máy bao gồm: vi xử lý lõi đơn Intel Atom với tốc độ 2 GHz, 1 GB RAM cùng màn hình 4,3 inch công nghệ Super AMOLED Advanced cho độ phân giải qHD. Bên cạnh đó, RAZR i còn sở hữu 8 GB dung lượng lưu trữ (có thể mở rộng lên tối đa 32 GB bằng thẻ microSD). Máy có camera sau 8 megapixel và camera trước VGA cùng pin dung lượng 2.000 mAh. RAZR i đang chạy hệ điều hành Android 4.0.4 Ice Cream Sandwich và chuẩn bị được cập nhật lên Jelly Bean.


Bộ phụ kiện gồm có: Bộ sạc, cáp microUSB, tai nghe stereo, dụng cụ để lấy thẻ SIM và thẻ microSD và tài liệu hướng dẫn.

Thiết kế

Cảm nhận ban đầu khi cầm Motorola RAZR i, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một smartphone chỉ sở hữu màn hình 3,7 inch. Chính việc thu gọn tối đa rìa màn hình cùng cân nặng chỉ 126 g đã giúp RAZR i cực kỳ nhỏ gọn và dễ cầm nắm, kể cả với người có bàn tay nhỏ. Kích thước dài và rộng của Motorola RAZR i gần như tương đương với iPhone 5, nhưng máy lại sở hữu màn hình 4,3 inch lớn hơn một chút.
Mặc dù nhỏ và nhẹ nhưng RAZR i không hề mỏng manh “dễ vỡ” và trầy xước như iPhone 5. Lớp vỏ ngoài của máy chỉ được chế tác bằng nhựa tổng hợp thông thường song lớp vỏ bên trong được làm từ nhôm dùng trong chế tạo vỏ máy bay với độ cứng vượt trội.

So sánh kích thước của RAZR i với một số mẫu điện thoại khác.​
Về khía cạnh thẩm mỹ, RAZR i không có được vẻ đẹp bóng bẩy sang trọng như iPhone 5 hay các smartphone của Sony. Thiết kế của máy khá “thô ráp”. Giống như những thành viên RAZR khác, Motorola RAZR i có mặt sau được chế tạo từ sợi Kevlar chống xước, nhưng bù lại rất dễ bị in dấu vân tay.

Camera sau 8 megapixel và đèn flash LED của máy.​

Camera trước VGA hỗ trợ cuộc gọi video.​

3 phím cảm ứng được tích hợp trực tiếp vào màn hình.​
Ngoài ra, hầu như toàn bộ vỏ ngoài của máy được bao phủ bởi một lớp vỏ đặc biệt có khả năng chống thấm nước, vì thế người dùng sẽ không phải lo lắng khi sử dụng vào những ngày ẩm ướt.

Lớp vỏ sau bằng sợi Kevlar.​
Tất cả các nút bấm cứng của RAZR i đều được bố trí trên cạnh bên phải bao gồm phím nguồn bằng kim loại nằm trên cùng, 2 nút điều chỉnh âm lượng bên dưới và nút chụp ảnh. Các phím bấm này được bố trí khá logic về khoảng cách giúp cho thao tác nhấn của người dùng tương đối dễ dàng và không gây ra cảm giác ọp ẹp, rẻ tiền. Ở cạnh trái của máy có cổng microUSB cùng khe cắm dành cho thẻ microSD và thẻ microSIM được đậy bằng một nắp mỏng.

Tất cả nút bấm cứng đều nằm ở cạnh bên phải.​

Đỉnh máy được bố trí jack tai nghe 3,5 mm.​

Ở cạnh bên trái có ngăn chứa thẻ SIM và microSD.​
Màn hình

Ngay khi vừa “chạm mắt” vào màn hình của Motorola RAZR i, tôi thực sự bị ấn tượng bởi lớp viền bao quanh quá mỏng, có cảm giác như phần màn hình của máy chiếm hết toàn bộ chiều rộng vậy. Giống như nhiều smartphone hiện nay, RAZR i đã được Motorola tích hợp cả 3 phím bấm Android vào trong màn hình với độ nhạy cao. Tuy nhiên, màn hình của smartphone vẫn có nhược điểm nằm ở thông số kỹ thuật.

Cùng kích thước màn hình với RAZR, nhưng RAZR i nhỏ gọn hơn đáng kể.​
Máy sở hữu màn hình 4,3 inch công nghệ Super AMOLED Advanced với độ phân giải 540×960 pixel (mật độ điểm ảnh 256 ppi). Màn hình của RAZR i vẫn sử dụng dạng sắp xếp ma trận PenTile, nếu bạn xem các bức ảnh hoặc video thì không gặp vấn đề gì đáng ngại, nhưng nếu bạn đọc văn bản hoặc duyệt web thì các nét chữ trông khá mờ và rỗ hạt.

Cùng kích thước màn hình với RAZR, nhưng RAZR i nhỏ gọn hơn đáng kể.​
Bên cạnh đó, đúng như truyền thống của màn hình AMOLED, màu sắc của màn hình trên RAZR i tương đối sặc sỡ, một số gam màu hiển thị quá sáng và không có cách nào để điều chỉnh cường độ của chúng. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng sắc độ màu đen và các góc nhìn rộng của màn hình là một lợi thế lớn. Ngoài ra, khả năng hiển thị ngoài trời của Motorola RAZR i cũng được đánh giá cao do độ lóa thấp, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng sử dụng thiết bị dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp.

Màn hình của RAZR i hiển thị khá tốt với góc nhìn hẹp.​
Giao diện

Motorola RAZR i sử dụng giao diện tùy biến trên nền hệ điều hành Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Nhìn chung, giao diện này cung cấp nhiều widget khá hữu dụng như đồng hồ, thời tiết, thời lượng pin và các cuộc gọi nhỡ, trong khi chỉ chiếm một không gian màn hình nhỏ. Tương tự, giao diện màn hình khóa cũng rất hữu ích với các “shortcut” truy cập nhanh tới các ứng dụng hay dùng, cộng với một “shortcut” chuyển đổi giữa chế độ loa và chế độ im lặng.




Giao diện người dùng trên Motorola RAZR i.​
Tuy nhiên, giao diện trên vẫn có một số mặt hạn chế như menu “Quick settings” hiển thị các chế độ Wi-Fi, GPS… chỉ được hiển thị khi bạn kéo sang bên trái khung hình homescreen đầu tiên. Tiếp theo muốn thêm nhiều khung hình homescreen thì bạn phải tiếp tục kéo sang bên phải qua homescreen cuối cùng. Các thao tác này có phần rườm rà và chậm chạp.




Giao diện bàn phím ảo QWERTY trên RAZR i hoàn toàn quen thuộc và dễ sử dụng. Cảm giác gõ phím trên màn hình thực sự thoải mái và chính xác.


Phần mềm

Motorola RAZR i được trang bị một bộ ứng dụng vô cùng hữu ích. Trước tiên, phải kể đến ứng dụng Smart Action cho phép người dùng thiết lập một số hoạt động tự động, có thể được thực hiện khi một sự kiện cụ thể được kích hoạt. Chẳng hạn, bạn có thể thiết lập cho điện thoại giảm âm lượng chuông xuống vào ban đêm, hoặc tắt tất cả các kết nối vào những lúc bạn không cần tới để tiết kiệm pin.




Giao diện ứng dụng Smart Action.​
Ứng dụng Guide Me dành cho người mới sử dụng smartphone lần đầu và chưa thực sự quen với các thao tác và tính năng của thiết bị mới. Cụ thể, Guide Me sẽ cung cấp nhiều hướng dẫn giải thích các tính năng của Motorola RAZR i một cách chi tiết.


Ứng dụng Guide Me.​
Vi xử lý và bộ nhớ

Motorola RAZR i là smartphone đầu tiên có vi xử lý đạt tới dấu mốc 2 GHz nhờ chip Intel Atom Z2460 cùng với GPU PowerVR SGX540 và RAM 1GB. Tuy nhiên, vi xử lý của máy chỉ thuộc loại lõi đơn. Song bù lại, Intel Atom Z2460 có thể hỗ trợ chạy đa luồng, một công nghệ của Intel cho phép một lõi thực hiện đa nhiệm vụ cùng một lúc tốt hơn.
Bên cạnh đó, hiệu năng thực tế của chip Atom không tỏ ra vượt trội nhưng vẫn có thể sánh ngang với vi xử lý lõi kép như Snapdragon S4. Chip Atom có thể chạy được các ứng dụng và game mới nhất một cách trơn tru. Song thỉnh thoảng vẫn có những cảnh cần xử lý nhiều hiệu ứng dẫn đến tình trạng giật hình mặc dù không thường xuyên.

Kết quả benchmark tổng hợp của Motorola RAZR i so với một số smartphone khác.​
Motorola RAZR i có dung lượng bộ nhớ 8GB, nhưng người dùng chỉ có thể sử dụng được 5,26 GB trống do đã cài đặt hệ điều hành. Song RAZR i hỗ trợ thẻ microSD tăng dung lượng lên 32 GB nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng lưu trữ của máy.

Trình duyệt web và kết nối

Trình duyệt gốc của Android trên Motorola RAZR i hoạt động khá hiệu quả, với tốc độ mở trang nhanh, đồng thời vẫn giữ được độ phản hồi cao ngay cả khi hiển thị những trang web nặng. Đồng thời, các tính năng như phóng to, thu nhỏ hoạt động tương đối chính xác.



Duyệt web trên Motorola RAZR i đem lại cảm giác mượt mà.​
Ngoài ra, bạn còn có thể lưu lại các trang web để xem offline bằng cách sử dụng chế độ Incognito. Dù không được cài sẵn Adobe Flash, nhưng các video trên YouTube đều chạy ổn định.
Về khả năng kết nối, bạn có thể sử dụng HSDPA+ với tốc độ tải về lên tới 21,1 Mbps, hay Wi-Fi cũng bắt sóng tốt. Máy cũng tích hợp đầy đủ các kết nối cơ bản như Bluetooth, GPS, và NFC.

Camera

Motorola RAZR i được trang bị camera 8 megapixel ở mặt sau với tốc độ khởi động rất nhanh. Bên cạnh đó, khả năng bắt hình cũng rất đáng nể, người dùng có thể chụp một bức ảnh gần như ngay lập tức. Trong chế độ chụp liên tiếp, 10 bức ảnh độ phân giải cao sẽ được chụp liên tục trong khoảng 1 giây. Hơn nữa, phần mềm chụp ảnh của máy có khả năng tự động chuyển sang chế độ HDR khi cần thiết và cho chất lượng hình chấp nhận được.



Giao diện máy ảnh trên Motorola RAZR i.​


Song tổng thể, chất lượng các bức ảnh không thực sự đặc biệt. Ảnh chụp tương đối ổn, nhưng phóng to sẽ bị vỡ hạt và nhòe ảnh. Chất lượng quay video 1080p cũng tương đối mượt mà với tốc độ 30 khung hình một giây, nhưng vẫn có độ rung nhất định.

Đa phương tiện

Ứng dụng nghe nhạc mặc định trên Android 4.0 là Google Play Music có nhiều tính năng khá thú vị. Bạn có thể phát lại bản nhạc đã tải lên “mây” hoặc mua thông qua Google Music (hiện tại chỉ có tại Mỹ). Hoặc bạn cũng có thể điều chỉnh âm thanh với nhiều thiết lập sẵn có, như tăng âm bass hay stereo.


Giao diện của Google Play Music.​
Bạn có thể xem tốt các video 1080p hiển thị ở tỷ lệ 16:9 trên Motorola RAZR i. Ứng dụng video player có thể xử lý tất cả định dạng video thông dụng, bao gồm DivX, H.264 và QuickTime, đồng thời còn có chức năng tua nhanh khi xem video 1080p.

Chất lượng cuộc gọi

Chất lượng cuộc gọi của Motorola RAZR i ở trên mức trung bình, với âm lượng từ loa thoại vừa đủ và giọng nói phát ra có độ sâu nên nghe tự nhiên hơn. Ở đầu kia, giọng người nói nghe to và rõ, nhưng âm chưa được thực, có lẽ do sự can thiệp của mic giảm tiếng ồn.

Thời lượng pin

Motorola RAZR i sở hữu viên pin dung lượng 2.000 mAh nhưng không thể tháo rời. Nhìn chung thời lượng pin của máy là rất tốt. Máy cho thời gian đàm thoại liên tục khoảng 20 tiếng, xem video trong 8 tiếng và duyệt web liên tục 7 tiếng.

Nếu người dùng sử dụng Motorola RAZR i với cường độ trung bình, khoảng 1 giờ đàm thoại, 1 giờ xem video và 1 giờ duyệt web mỗi ngày thì pin của chiếc điện thoại này có thể “cáng đáng” khoảng 64 giờ cho đến khi cạn sạch pin.

Kết luận

Motorola RAZR i là smartphone có nhiều ưu điểm nổi bật như nhỏ gọn, lớp vỏ bền và thời lượng pin cực “ổn”. Tuy nhiên, giao diện người dùng của máy không thực sự thân thiện cùng camera thiếu sức hút.
Nếu có thể bỏ qua những nhược điểm trên và nhìn vào những điểm mạnh thì Motorola RAZR i vẫn là một sự lựa chọn phù hợp trong phân khúc smartphone tầm trung. Sau khi trải nghiệm thiết bị, chúng ta đã có một cái nhìn khác về dòng vi xử lý của Intel, hiệu năng cũng như mức độ tiết kiệm năng lượng là cực kỳ tích cực.