Vì sao Đức Phật lại nói thân người là khó được bạn hãy tìm hiểu nhé!

Thân là sự sống. Không có thân thì không có sự sống. Sự sống tốt đẹp hay không là tùy thuộc vào tấm thân tứ đại này. Trong các loại thân chúng sinh, thân người cao quý hơn cả.

Thân người cao quý ở chỗ cho phép chúng ta làm được những việc tốt đẹp. Nhờ thân này mà khẩu và ý làm tròn bổn phận giúp ích cuộc đời. Thân biểu hiện tính hoạt dụng tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày. Con người sống có ích cho đời hay không cũng từ nơi thân mà biết. Người có trí tuệ nhìn thân người thật hiếm có và khó được trong kiếp này. Do vậy, Đức Phật nói: “Thân người khó được, Phật Pháp khó gặp” (Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn).

Con người có thân để sống. Các loài chúng sinh cũng có thân để sống. Thân người biết tu thành Phật, nhưng thân chúng sinh thì khó thành Phật trong kiếp này, phải trải qua vô số kiếp sống tiếp theo mới có thể thành Phật. Đức Phật của chúng ta cũng mang thân người trong kiếp này mà thành Phật vậy. Xét trên thân người của chúng ta và thân người của Đức Phật có khác nhau chăng?

Những định nghĩa về thân người ở đây cho ta khái niệm thân người của chúng ta và Đức Phật giống nhau không khác. Nếu có khác là khác phước đức của mỗi người trong thế gian này mà thôi. Có người sinh ra mang thân đẹp đẽ như Phật, có người thân xấu xí, có người thân khỏe mạnh, có người thân tàn tật, có người tai điếc mắt đui, có người thông minh, có người ngu dốt…Tại sao có sự khác biệt lớn như thế? Lý do đơn giản là vô lượng kiếp quá khứ của ta đã từng làm điều gì đó tốt đẹp hay không tốt đẹp mà có sự khác biệt trên.

Đức Phật trải qua vô số kiếp, kiếp này Ngài học đạo, hiểu đạo và thành đạo. Thành đạo là vượt qua hết các chướng ngại về thân để đạt đến điều tốt đẹp nhất và chính Đức Phật làm đẹp cho cuộc đời. Nếu ta tin Phật nhiều, ta cũng có khả năng đóng góp cái đẹp cho đời. Lấy lời Phật dạy làm kim chỉ nam trong đời, ta nguyện không muốn gây đau khổ cho ai nữa thì ta nên phát tâm dũng mãnh thuộc lòng bài kệ sau đây:

Không làm các điều ác

Nguyện làm các điều lành

Giữ tâm ý thanh tịnh

Đây là lời chư Phật dạy

(Pháp cú 183) .

Không làm các điều ác là: Không hung hăng giết người, không giết cha, không giết mẹ, không giết A la hán, không làm thân Phật ra máu, không phá hòa hợp Tăng, không sát sanh, không trộm cắp, không bỏn xẻn keo kiệt…

Nguyện làm các điều lành là làm những điều sau đây: Phóng sanh, bố thí giúp người, nuôi dưỡng chăm lo cha mẹ già, làm tất cả việc lợi ích cho đời cho đạo, tự mình và khuyên người khác sống theo Phật hiền lành, góp phần giảm cái ác khó lường….

Giữ tâm ý thanh tịnh là tâm ý thường xuyên hướng tới một biểu tượng tốt đẹp.

Có thể nói được làm thân người thật khó vô cùng. Khó ở đây là hiếm khi hội tụ đầy đủ nhân duyên trong kiếp này được làm thân người. Khó đến nỗi Đức Phật mô tả trong kinh Tương Ưng V như thế này: “Ví như, này các thầy Tỳ-kheo, một người quăng khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đây có con rùa mù, mỗi năm nổi lên một lần. Các ngươi nghĩ thế nào? Này các thầy Tỳ Kheo, con rùa ấy, sau mỗi trăm năm, nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc cây có một lỗ hổng hay không?”

“Năm khi mười họa may ra có thể được, bạch Đức Thế Tôn, nhưng sau một thời gian dài. Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các thầy Tỳ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có lỗ hổng ấy. Còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ, để được làm người trở lại. Vì cớ sao? Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các thầy Tỳ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có kẻ yếu bị ăn thịt”.

Thân là tác phẩm hoàn hảo của ý. Ý nghĩ gì thì tạo nên thân ấy. Ý nghĩ đẹp thì thân đẹp. Ý nghĩ xấu thì thân cũng ăn theo chịu xấu theo. Cho dù thân hiện đời như thế nào, xấu hay đẹp, đệ tử Phật chân chính đều hoan hỷ bằng lòng chấp nhận và nỗ lực tu tập làm phước để cải đổi tô bồi những điều tốt thì thân này sẽ thay đổi đẹp theo thời gian và thành Phật.

Do vậy, ta phải ý thức rằng thân này quý giá biết dường nào và ta phải học cách giữ gìn ăn uống, tập thể dục và bảo hộ nó một cách cẩn thận. Bởi vì thân này rất mong manh, tạm bợ, rất dễ tan rã ra thành từng mảnh nhỏ bất cứ lúc nào mà không hay. Nay còn mai mất, nào ai biết trước được thân này tồn tại bao lâu nữa!

Vì sao Pháp khó nghe?

Có được thân người rồi mà lại gặp được Phật pháp nữa, đó là phước nhiều đời của chúng ta. Tuy nhiên Phật pháp rất khó nghe, bởi vì sao? Được làm người đã khó rồi, nhưng được nghe Phật pháp để biết cách tu hành lại càng khó hơn. Bởi có nhiều người cả đời không biết đến hai chữ Phật pháp là gì, hoặc có nghe Phật pháp nhưng lại không hiểu, nên nói khó nghe. Như chúng ta đã biết, Phật pháp nói lẽ thật, chỉ đúng lẽ thật nhưng ngược lại với lòng tham lam ích kỷ của con người, nên chúng ta khó tiếp nhận, khó nghe là vậy đó.

Phật pháp khó nghe, cho nên người thiếu phước duyên ít có cơ hội nghe pháp, nếu có nghe cũng không hiểu biết gì. Bây giờ được gặp Phật pháp, chúng ta phải cố gắng học hỏi, khi nghe rồi chúng ta phải quán chiếu, chiêm nghiệm và sau đó biết áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Đó là tu.

Chúng ta phải học theo cách Phật dạy tam huệ học là “văn, tư, tu”. “Văn” là nghe lời Phật dạy rồi sau đó mới suy nghĩ, quán chiếu, nghiệm xét để biết được sự thật-giả phân minh, đến khi đó ta mới hành trì bằng cách buông xả các tâm niệm xấu ác và sửa đổi những hành vi sai trái, làm tổn hại người và vật.

Khi chúng ta đã biết cách phát huy tốt năng lực của bản thân, thấy được giá trị thiết thực là phải nương nhờ vào nhau mới bảo tồn mạng sống thì chúng ta cần phải có trách nhiệm yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Tu theo đạo Phật không bắt buộc quý Phật tử nghe rồi tin liền, mà khi nghe rồi chúng ta phải quán chiếu suy ngẫm, khi thấy biết đúng lẽ thật rồi mới tin và cố gắng thực hành theo, đó là niềm tin chân chính sau khi phát sinh trí tuệ.

Phật pháp rất khó nghe là vì đi ngược lại với sự ham muốn của chính mình, mình tham lam mà Phật dạy phải bớt tham và dứt lìa tham, chẳng những ta không tham mà còn phải biết bố thí cúng dường, giúp đỡ người khác nữa. Phật pháp rất khó nghe, đối với người chưa tín tâm Tam bảo, chưa tin sâu nhân quả, khi chúng ta đã tin rồi thì sẽ tìm cách dứt ác làm lành, để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.

Như quí Phật tử khi nghe pháp hay đọc kinh Phật thì phải suy gẫm, quán chiếu và ứng dụng tu hành, tuy bước đầu thấy dường như khó, nhưng sau này khi trí tuệ phát sinh, quý vị sẽ biết cách hoàn thiện chính mình. Phật tử tại gia trong hoàn cảnh còn nhiều ràng buộc khó khăn, không thể tu được nhiều như tăng ni, chỉ cần cố gắng mỗi ngày làm một hai điều thiện cũng tốt rồi.

Khi nghe pháp Phật dạy thân này già bệnh chết, ai cũng biết nó sẽ bại hoại vậy mà không chịu chuẩn bị hành trang cho mai sau, chúng ta chờ nó sắp hoại rồi mới than trời trách đất: Sau con khổ quá vậy! Trời Phật sao không linh hiển cứu con, cứu làm sau được dù thân thuộc như cha mẹ, vợ chồng, con cái cũng đành phải chịu thôi.

Kinh Phật dạy: Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm điều trong sạch, tội lỗi hay trong sạch đều do ta quyết định, người Phật tử chân chính sẽ biết chọn cho mình một hướng đi tốt đẹp. Chính chúng ta tự làm khổ mình, chứ không có ai khác giáng họa cho ta.

Phật nói cuộc đời là vô thường, mạng người sống trong hơi thở, thở ra mà không thở vô thì coi như thân này tan hoại. Vậy mà ít ai chịu chấp nhận mạng người trong hơi thở, cứ nghĩ rằng đời người sống cả trăm năm, thậm chí nhiều người tìm luyện trường sinh bất tử, nhưng có ai sống đời không chết đâu. Thở ra mà không thở vào là chết ngay, đó là một lẽ thật mà ít ai chịu tin. Thế nên Phật pháp khó nghe là vậy, đi ngược lại suy nghĩ và lòng ham muốn của con người.

Bây giờ chúng ta đã có duyên gặp Phật pháp rồi, phải ráng nghe những lẽ thật ấy để phá sự chấp trước thân tâm mình làm ngã, khi chúng ta thấy biết đúng như thật về thân, về mạng sống, ta sẽ giảm bớt mọi nhu cầu không cần thiết, nhờ vậy ta dễ dàng buông xả phiền não khổ đau.

Khi biết thân người khó được, Phật pháp khó nghe ta càng phải cố gắng học hỏi và tu tập, để ngày càng sống tốt hơn. Đó là chúng ta biết dùng thân này, làm lợi ích cho mình và người khác, nếu chúng ta chỉ lo ăn, ngủ, mặc, ở sao cho được đầy đủ thoải mái đến khi gần đất xa trời không biết mình đi về đâu, thật đáng tội nghiệp cho ta quá chừng?

Gặp một đứa trẻ chạy chơi vấp té, chúng ta đỡ nó lên và an ủi đôi lời, đâu có tốn đồng xu cắc bạc nào, mà còn gây được nhiều thiện cảm với đứa bé. Thấy một bà cụ già đang muốn qua đường mà không có người dìu dắt, chúng ta chỉ cần dắt tay đưa bà qua đường, việc làm này đâu có tốn tiền hao của, chỉ một chút công nhỏ thôi, ta sẽ giúp cho bà già bớt lo lắng sợ hãi bị tai nạn.

Đối với ý nghĩ của mình, chúng ta lúc nào cũng khởi lên tâm niệm trong sáng, miệng nói lời an ủi sẻ chia, khiến mọi người giảm bớt buồn phiền và sống vui vẻ hơn. Thân hành động giúp đỡ người khác mỗi khi có việc cần thiết, không hề sợ khó nhọc. Đó là chúng ta khéo dùng thân tạm bợ này để làm lợi ích cho người khác, mà ta vẫn bình yên hạnh phúc.

Tóm lại, là người phật tử chân chính, chúng ta luôn lắng nghe lời Phật dạy rồi sau đó quán chiếu suy gẫm nghĩa lý, biết được thật giả rõ ràng nên việc tu sửa của ta cũng nhẹ nhàng, không khó khăn gì. Kế đến, chúng ta vận dụng sự hiểu biết của mình để giúp cho nhiều người khác có sự hiểu biết đúng đắn mà cùng tu tập với chúng ta.

Đó là ta biết ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày, để mình luôn làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc.

nguồn: https://webnhom.com/@nhanqua