2018, thua lỗ do trích lập dự phòng tăng

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2018, có 10/18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thua lỗ, bởi chi phí trích lập dự phòng tăng. Cụ thể, tổng dự phòng nghiệp vụ được toàn khối trích lập là 20.258 tỷ đồng, tăng 30,07% so với năm 2017.

Bảo hiểm nhân thọ Prudential

Theo Bộ Tài chính, trong năm qua, trước tình hình lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm (doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu đầu tư vào loại trái phiếu này), Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã chủ động theo dõi tình hình tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Cơ quan quản lý đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng thanh toán, bổ sung vốn, quản lý dòng tiền, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, bảo đảm quyền lợi và cam kết với khách hàng, rà soát hoạt động đầu tư, tính toán mức lãi suất. Tính đến cuối năm 2018, đã có 13/18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện tăng vốn điều lệ, đảm bảo khả năng thanh toán, tăng năng lực tài chính.

Bao hiem nhan tho Prudential

Ghi nhận từ Generali Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu của Bộ Tài chính, nhà bảo hiểm này đã 2 lần tăng vốn bổ sung trong năm 2018, số vốn điều lệ hiện tại là 4.852,6 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu về vốn theo quy định. Manulife cũng đã tăng vốn điều lệ lên 9.695 tỷ đồng.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, ông Clive Baker, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết, năm 2018, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm đã ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

“Lãi suất trái phiếu chính phủ giảm có thể khiến lợi nhuận của công ty bảo hiểm giảm, kéo theo quyền lợi của khách hàng có thể bị ảnh hưởng”, ông Clive Baker nói.

Tuy nhiên, tại Prudential Việt Nam, năm ngoái, Công ty đã ra mắt sản phẩm PRU - đầu tư linh hoạt, khách hàng sẽ linh hoạt điều chỉnh kế hoạch đầu tư và phạm vi bảo vệ theo những giai đoạn khác nhau, có thể lựa chọn hoán đổi các quỹ trong 6 quỹ PRUlink. Do đó, quyền lợi của khách hàng có thể không bị ảnh hưởng, thậm chí cao hơn nếu hoán đổi các quỹ.

Theo ông Clive Baker, đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa có báo cáo chính thức về lợi nhuận năm 2018. Còn về doanh thu, Công ty đạt doanh thu phí bảo hiểm trên 19.000 tỷ đồng, tăng 18%; doanh thu khai thác mới tăng 14%. Tổng quyền lợi chi trả bảo hiểm ước đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 7%. Tổng đầu tư vào trái phiếu chính phủ đạt khoảng 20.305 tỷ đồng.

2019, kỳ vọng giảm lỗ

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề lớn của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2018 là lãi suất trái phiếu chính phủ giảm nên phải tăng trích lập dự phòng, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu về vốn, buộc không ít công ty xoay xở tăng vốn.

Năm nay, các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ có diễn biến đi lên. Trong khi đó, Thông tư số 01/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 16/2/2019, sửa đổi Thông tư số 50/2017/TT-BTC, sẽ giúp tình hình về vốn, về lãi của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được cải thiện.

“Trên thực tế, năm 2018, ngoại trừ Chubb Life tập trung bán các sản phẩm UL (liên kết chung) nên không bị ảnh hưởng nhiều đến lãi suất, còn các doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm truyền thống đều bị ảnh hưởng. Các công ty bảo hiểm đã có ý kiến từ lâu, nhưng mãi đến đầu năm 2019, Bộ Tài chính mới chấp nhận sửa đổi Thông tư 50. Các quy định tại Việt Nam đang quá cẩn trọng so với các nước trên thế giới”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm có trụ sở tại TP.HCM nói.

Theo nhìn nhận của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, lãi suất ngân hàng và trái phiếu chính phủ nhiều khả năng sẽ tăng trong năm 2019, Bộ Tài chính đã sửa đổi Thông tư 50 về trích lập dự phòng nên gánh nặng dự phòng toán học của các công ty bảo hiểm nhân thọ vì thế sẽ giảm.