"Nàng Bạch Tuyết đã đẹp, nhưng nhờ có 7 Chú lùn càng làm cho vẻ đẹp ấy của nàng nổi bật. Còn các dự án bất động sản, chúng tôi cố làm khang trang nhưng vì vướng một số công trình không chịu di dời đã làm mất đi tính thẩm mỹ. Nàng Bạch Tuyết của chúng tôi khốn khổ vì... Chú lùn", một doanh nhân dí dỏm.
Đọc thêm: Biệt thự Pháp
Thời gian qua, vấn đề tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án và người dân liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xảy ra nhiều. Nhiều dự án đã triển khai thành khu đô thị hiện đại nhưng vẫn chưa khang trang vì tồn tại nhà, đất của hộ dân không chịu di dời, thậm chí còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp chủ đầu tư dù chưa thương lượng với người dân nhưng vẫn ngang nhiên cho công nhân vào cưỡng chế thi công.
Mới đây, hàng chục hộ dân ở khu đất rộng 6.274m2 tại số 34, 36, 42 đường Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi vì cho rằng bị chủ đầu tư dự án khách sạn cao cấp, Cao ốc văn phòng và Trung tâm thương mại cho thuê ngay chính trên mảnh đất này "làm giá".
Cụ thể, trong quá trình thực hiện, các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng đã được triển khai một cách “chóng vánh”. Các hộ dân cho biết, mức giá đền bù được chủ đầu tư (Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Việt Hân Sài Gòn) đưa ra thương lượng thời điểm đó là 125 triệu đồng/m2.
Theo người dân, mức giá này là quá “bèo”, chưa bằng một nửa giá thị trường. Vì vậy, số đông các hộ dân được áp giá đền bù đều không đồng tình, chưa chịu nhận đền bù và phản ứng quyết liệt với đơn vị thực hiện dự án.
Đáng chú ý, theo biên bản cuộc họp ngày 30/11/2018 giữa đại diện cư dân với Công ty Việt Hân Sài Gòn và UBND phường Bến Nghé thì người dân vẫn kiên quyết từ chối di dời. Nguyên nhân, do mức giá đền bù chỉ 125 triệu/m2, trong khi giá thị trường khu vực này hơn 300 triệu/m2. Đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn lại cho rằng mức giá đền bù là theo thẩm định giá độc lập.
Cũng tại cuộc họp trên, trước tất cả các bên, người dân cũng tố việc, dù không thương lượng được với dân nhưng ngày 13/11, Công ty Việt Hân đã vẫn cho người xông vào khu nhà dân, rào chắn, giăng kẽm gai… gây náo loạn khu vực.

Khu đô thị mới Dragon City (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè)
Nếu như dự án trên là điển hình của việc chủ đầu tư chưa đạt được thoả thuận với người dân vẫn cho triển khai dự án thì ở một dự án khác, chủ đầu tư lại khốn khổ vì được nhà nước giao đất nhưng người dân không chịu di dời.
Tình cảnh "dở khóc dở cười" trên đang xảy ra tại khu đô thị mới Dragon City (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) do Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long thực hiện.
Ngay trước Tết nguyên đán Kỷ Hợi, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp. Đại diện công ty Phú Long đã trình bày tình cảnh "dở khóc dở cười" này.
Theo đó, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ ngày 01/12/2004. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và đã được UBND TPHCM cấp "sổ đỏ".
Công ty đã đầu tư xây dựng hình thành nên khu đô thị mới Dragon City văn minh, hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị trục đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè.
Tuy nhiên, cho đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 1 căn nhà và đất của một số hộ dân, không chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, cản trở không cho Công ty triển khai đầu tư xây dựng dự án.
"Không chỉ chây ì di dời, gây ô nhiễm, thậm chí, một số hộ dân có hành vi tự ý xông vào công trường, đập phá tài sản và tháo dỡ hàng rào của Công ty trong các ngày 30 và 31/10/2018", đại diện Phú Long cho biết.
Ngoài "mắc kẹt" tại Dragon City, địa ốc Phú Long cũng đang được UBND TPHCM giao làm chủ đầu tư dự án ngầm hóa đường điện 220kV đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè bằng nguồn vốn của công ty.
Công ty đã chuyển 160 tỷ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất để đền bù nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong để giao đất thực hiện dự án.
"Công ty đề nghị UBND TPHCM và huyện Nhà Bè hỗ trợ để giao đất đầy đủ cho chúng tôi triển khai thực hiện dự án", đại diện Phú Long kiến nghị.
Không chỉ công ty Phú Long, Công ty Cổ phần Địa ốc và Xây dựng S.S.G 2 cũng đang "mắc kẹt" tại dự án chung cư Thảo Điền Pearl số 12 Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2 vì bế tắc trong giải phóng mặt bằng.
Theo S.S.G 2, chung cư Thảo Điền Pearl được chủ đầu tư xây dựng, bàn giao cư dân vào sinh sống ổn định từ 2013. Thế nhưng, đã qua 6 năm cư dân sinh sống ổn định mà đến nay việc xây cầu kết nối dự án với ga Metro vẫn chưa thực hiện được.
"Lí do là chúng tôi chưa thương lượng được với 3 hộ dân tương đương 230m2 đất trong lộ giới xây cầu. Rất nhiều cuộc họp giữa chủ đầu tư với các Sở ban ngành đã diễn ra nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn bế tắc trong công tác giải phóng mặt bằng", đại diện S.S.G 2 cho biết.
Nhiều chủ đầu tư cho rằng, tình trạng ách tắc trong việc di dời, giải phóng mặt bằng khiến phần nào ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh bất động sản của thành phố.
"Nàng Bạch Tuyết đã đẹp, nhưng nhờ có 7 Chú lùn càng làm cho vẻ đẹp ấy của nàng nổi bật. Còn các dự án bất động sản, chúng tôi cố làm khang trang nhưng vì vướng một số công trình không chịu di dời đã làm mất đi tính thẩm mỹ. Nàng Bạch Tuyết của chúng tôi khốn khổ vì 1 Chú lùn", một doanh nhân dí dỏm.
"Chúng tôi kiến nghị việc giải phóng mặt bằng xây cầu dẫn, đường dẫn, bãi tập kết xe, khu công cộng nhằm kết nối toàn tuyến thì thành phố (chủ đầu tư dự án) phải cùng tổ chức, doanh nghiệp đứng ra giải phóng mặt bằng giúp việc xây dựng các công trình công cộng được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả phục vụ người dân", đại diện S.S.G 2 kiến nghị.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình, HoREA đã tiếp thu, tổng hợp lại các ý kiến của doanh nghiệp, trong đó có ý kiến của địa ốc Phú Long và S.S.G 2 gửi cho lãnh đạo UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo xử lý, tháo gỡ.