Sinh ra ở huyện lúa Yên Thành, vì đam mê với việc nhân giống vịt bầu Quỳ, ông Thái Diệu đã ngược lên vùng đất Quỳ Châu - Quế Phong gây dựng trang trại vịt bầu Quỳ nức tiếng.

Trang trại vịt bầu Quỳ của doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu là địa chỉ duy nhất cung cấp giống vịt quý hiếm này cho đồng bào các dân tộc vùng miền Tây Nghệ An nuôi phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Thành công từ niềm đam mê

Trang trại chăn nuôi vịt bầu Quỳ của doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu nằm dưới chân cầu Châu Tiến trên Quốc lộ 48 nối đôi bờ sông Hiếu (thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Châu Tiến của huyện Quỳ Châu với xã Tiền Phong huyện Quế Phong). Giống vịt bầu Quỳ nức tiếng đã được ông Diệu chăm sóc, gây giống và gìn giữ, nhân rộng một cách có hiệu quả. Tag: phòng bệnh trên tôm thẻ


Gặp gỡ, trò chuyện ông cho biết mình vốn là nông dân huyện lúa Yên Thành, lên lập nghiệp trên vùng đất này từ những năm 1990, với nghề chăn nuôi vịt. Được thưởng thức món thịt vịt bầu Quỳ có vị ngon riêng, hiếm có, ông tìm hiểu nguồn gốc giống vịt này và được biết đây là giống vịt đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Thái sống tại các xã biên giới thuộc 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong.

Ông Diệu hồ hởi: “Năm 2007, lúc đó, vịt bầu Quỳ chỉ được nuôi lẻ tẻ trong mỗi nhà dân, nhà vài con chủ yếu làm thực phẩm nên không có trứng để mua. Vợ chồng tôi đã phải lặn lội đến từng thôn, bản, đi từng nhà dân nài nỉ họ bán từng quả trứng”.

Góp gió thành bão - đến khi gom được số lượng trứng đáng kể, ông Diệu tiến hành công đoạn ấp giống. Kiên trì sau gần 2 năm, ông đã có được gần 200 con vịt bầu Quỳ thuần chủng, là lứa vịt bố mẹ đầu tiên. Cùng lúc đó, UBND huyện Quế Phong có chủ trương khôi phục lại giống vịt bầu Quỳ, đã hỗ trợ cho ông nguồn vốn để đầu tư mở rộng trang trại và mua máy ấp trứng. Từ đó, ông Diệu có thể cung cấp cho người dân đàn vịt giống bầu Quỳ có chất lượng tốt hơn. Tag: nuôi tôm biofloc

Ông Diệu cho hay: Vịt bầu Quỳ ngon hơn các giống vịt khác là vì thịt nó rất ít mỡ, dày, dai, chắc. Các nhà khoa học còn phân tích rằng, thịt vịt bầu Quỳ còn chứa tỷ lệ axit glumatic vượt trội hơn các giống vịt khác. Tuy nhiên, người dân bản địa ở đây lại giải thích bằng cách riêng, họ cho rằng, chính nguồn thức ăn từ rong rêu, cua, tôm, thêm cái sương gió của vùng đất tột cùng Tây Bắc xứ Nghệ là "đầu vào" đặc biệt để tạo thành vị ngon truyền đời của thịt giống vịt này.

Khôi phục giống vịt bầu Quỳ đặc sản, tạo dựng được trang trại, đến nay ông Thái Diệu được đánh giá là một trong những người làm kinh tế hộ lớn nhất huyện Quế Phong. Có thể nói, nguồn con giống vịt bầu Quỳ được nhân rộng như hôm nay chính là nhờ có sự đam mê, tâm huyết của ông Thái Diệu mà có.

Cung ứng 10 vạn con vịt giống/năm

Năm 2008, ông Thái Diệu thành lập Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu chuyên sản xuất và cung cấp giống vịt bầu Quỳ thuần chủng, chất lượng cao cho người dân nuôi. Từ đây, các huyện Quỳ Châu và Quế Phong đã ký kết nhiều hợp đồng với doanh nghiệp để cung ứng giống vịt bầu Quỳ cho các hộ dân theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước. Đây thực sự là “liệu pháp” giúp cho nhiều hộ có cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Ngoài các hộ dân trong huyện Quế Phong, nhiều người dân ở các huyện miền Tây như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương… nghe tiếng cũng tìm đến ông mua vịt giống. Tag: bệnh trên tôm thẻ

Từ mô hình bảo tồn và phát triển vịt bầu Quỳ bản địa của huyện Quế Phong thông qua Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu, thời gian qua các huyện miền núi Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn… khi triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước đều tới trang trại ông Diệu để mua giống vịt bầu Quỳ về nhân giống ở các làng bản được hưởng lợi chương trình. Như thế, ngoài bảo tồn giống vịt bầu Quỳ và nhân ra khắp nơi, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước, hàng năm Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu còn nhận cung ứng các giống vật nuôi khác như: bò, dê, gà, lợn… cho bà con phát triển kinh tế.

Đến nay ông Diệu cũng đã có thêm 4 trại nuôi vịt khác nằm ở 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong; luôn duy trì từ 2.000 - 3.000 con vịt đẻ, mỗi ngày cho trên 2.000 quả trứng, với 5 lò ấp công nghiệp, mỗi năm doanh nghiệp cung ứng cho người dân các huyện miền núi Nghệ An 10 vạn con vịt giống bầu Quỳ, nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định.

Vịt bầu Quỳ là loại thực phẩm “đặc sản” của miền Tây xứ Nghệ, vừa có giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao, thị trường ưa chuộng, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

Từ sự đam mê của ông Thái Diệu, giống vịt bầu Quỳ đang ngày càng phát triển mạnh trên các vùng miền núi Nghệ An, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trong vùng, đồng thời đáp ứng nhu cầu về món ẩm thực đặc sản cho khách du lịch mỗi lần đến với miền đất Quế Phong.

Nguồn: baonghean.vn/ong-chu-trang-trai-vit-bau-quy-nuc-tieng-o-nghe-an-228576.html