Tại An Giang, lượng thủy sản khai thác trong tự nhiên ngày càng giảm mạnh, nhất là các loài cá có giá trị kinh tế cao.

Theo thống kê 5 năm trở lại đây sản lượng giảm trên 3.000 tấn/năm. Tỉnh đang tăng cường biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, đảm bảo khai thác từ 40.000 - 60.000 tấn/năm.


Nguyên nhân nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt là do người dân sử dụng các loại dụng cụ khai thác tận thu, kể cả xiệt điện. Một nguyên nhân khác là do mở rộng diện tích lúa thu đông hàng năm từ 10.000 - 20.000ha, chiếm gần 50% diện tích canh tác/vụ, làm thu hẹp vùng đồng ruộng ngập nước để cá, tôm di trú, sinh sản.

Ngoài ra còn có tình trạng thuốc BVTV và nước thải trong SX, sinh hoạt đổ ra sông, rạch gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống của các loài thủy sản. Điều đáng quan tâm là ý thức của người dân còn kém, vẫn phổ biến tình trạng khai thác cá bé làm thức ăn phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản. Tag: nuôi tôm sú thâm canh

Việc khai thác thủy sản ở An Giang chủ yếu vào mùa nước nổi từ tháng 7 - 11 hàng năm. Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, nguồn thủy sản nước ngọt trong tự nhiên ở An Giang rất phong phú, đa dạng với trên 130 loài tôm, cá quý có giá trị kinh tế cao như cá hô, leo, bông lau, chạch lấu, bống tượng, kết, basa, cá linh... Tình trạng lạm dụng đánh bắt cá non không tuân thủ quy định về mùa vụ khai thác làm nguồn cá linh tự nhiên sụt giảm.

Hàng năm từ tháng 11 - 12, cá linh từ đồng ruộng, kênh, rạch đổ ra sông Tiền, sông Hậu, bắt đầu thực hiện quá trình di cư ngược dòng lên thượng nguồn sông Mê Kông tìm những vực sâu để ẩn náu, trú ngụ. Đến đầu mùa lũ, cá linh sinh sản, ấu trùng (cá non) di cư theo dòng nước phía hạ lưu để kiếm ăn và tăng trưởng. Trung tuần tháng 7 hàng năm, ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông bắt đầu xuất hiện cá linh non.

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết: Để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với mùa vụ khai thác cá linh được đảm bảo, việc đánh bắt cá linh phải đúng kích cỡ quy định, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp các địa phương đầu nguồn như An Phú, Tân Châu, Châu Đốc tổ chức tuyên truyền, kiểm tra các hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trên sông. Nếu phát hiện sai phạm về mùa vụ khai thác cá linh, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Tag: bệnh trên tôm sú

Đối với những địa phương có tổ chức cho ngư dân khai thác đáy cá linh mùa lũ, Chi cục đề nghị chính quyền phối hợp, tham vấn với cơ quan quản lý chuyên ngành về mùa vụ khai thác cá linh, đảm bảo kích cỡ mắt lưới đúng quy định cũng như an toàn giao thông đường thủy.

Hiện An Giang chưa có khu bảo tồn nguồn gen động vật thủy sản phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản. Đây là một yêu cầu rất quan trọng và cấp thiết trong chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh.

Tỉnh tận dụng tiềm năng các khu vực vùng ngập nước tự nhiên trên 2.000 ha tại Búng Bình Thiên (huyện An Phú), rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), rừng tràm Bình Minh (Tri Tôn) và trên sông Vàm Nao (đoạn Tân Châu - Phú Tân) để dẫn dụ và bảo vệ nguồn gen các loài thủy sản quý hiếm. Duy trì mô hình quản lý cộng đồng về khai thác thủy sản tự nhiên cân bằng, sử dụng an toàn hệ sinh thái và môi trường nước mặt. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản bằng công cụ hủy diệt. Tag: bệnh thường gặp trên tôm sú

Nguồn: nongnghiep.vn/an-giang-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-post228252.html